Cách chăm sóc vùng da cổ và ngực
Da ở cổ, ngực cần được tẩy tế bào chết, làm sạch, dưỡng ẩm, thoa kem chống nắng giống những vùng da khác để giảm đồi mồi, nếp nhăn hình thành.
Nhiều người thường tập trung chăm sóc da mặt và một số vị trí nhất định trên cơ thể như bàn tay, chân, nhưng lại bỏ quên vùng da ở cổ và ngực.
Tất cả da trên cơ thể đều thay đổi khi già đi, kém căng mọng và giảm độ mịn màng. Da cổ dễ bị tổn thương bởi thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Vùng da ngực có thể bị ảnh hưởng bởi tư thế nằm, dẫn tới hình thành nếp nhăn. Ở phụ nữ mãn kinh, dấu hiệu lão hóa ở cổ, ngực trở nên rõ rệt, một phần do lượng hormone estrogen giảm.
Theo Hiệp hội Bác sĩ Phẫu thuật Thẩm mỹ Mỹ, những thay đổi phổ biến ở vùng da này bao gồm:
- Đổi màu, đồi mồi, tàn nhang vì tiếp xúc tia cực tím.
- Khô ráp do tuyến dầu sản xuất ít dầu hơn khi cơ thể già đi.
- Mất độ đàn hồi khi giảm collagen trong thời kỳ mãn kinh.
- Da xỉn màu hoặc không đều màu bởi tế bào da chết tích tụ.
- Hình thành rõ nếp nhăn do lão hóa và ánh nắng mặt trời.
Theo Học viện Da liễu Mỹ, những biện pháp dưới đây có thể bảo vệ vùng da cổ, ngực, giảm dấu hiệu lão hóa.
Bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời: Nếu bạn sử dụng kem chống nắng hàng ngày cho mặt thì nên thoa kem xuống cổ. Chọn kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên, mặc quần áo chống nắng, đội mũ khi ra ngoài trời.
Làm sạch nhẹ nhàng: Vùng ngực rất mỏng manh, nên dùng đầu ngón tay massage nhẹ nhàng bằng sữa rửa mặt, sau đó rửa sạch bằng nước ấm không quá hai lần một ngày và sau khi đổ mồ hôi.
Dưỡng ẩm hàng ngày: Kem dưỡng ẩm giúp khóa nước vào da, giảm khô và hình thành nếp nhăn, có thể chọn sản phẩm cung cấp collagen để tăng đàn hồi cho da.
Tẩy tế bào chết: Sản phẩm tẩy tế bào chết theo toa hoặc không kê đơn (OTC) như retinoid (một loại dẫn vitamin A) giúp làm bong tróc các tế bào da chết ở vùng này.
Tránh sản phẩm gây kích ứng: Các loại chứa thành phần gây kích ứng có thể khiến vùng da dưới cổ khô, nổi mẩn đỏ, ngứa...
Các chuyên gia khuyến cáo nên điều trị từng vấn đề về da ở vùng ngực như nếp nhăn, đốm đen. Nếu da tổn thương và chăm sóc tại nhà không hiệu quả, người bệnh nên đến bác sĩ da liễu để được khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Phương pháp laser giúp tái tạo bề mặt da, loại bỏ đốm sẫm màu, giảm nếp nhăn, săn chắc vùng da chảy xệ. Phương pháp peel da sử dụng các hóa chất để loại bỏ lớp da bên ngoài bị tổn thương. Mài da vi điểm và lăn kim cũng có thể giải quyết tình trạng da đổi màu và một số vết sẹo nhẹ.
(Theo VNexpress)